Đồng Hồ Máy Cơ - Định Nghĩa, Bước Tiến Lịch Sử & Giải Mã Sự Thu Hút
Nội dung bài viết
- Bộ máy cơ trên đồng hồ là gì mà lại có giá đắt đỏ và nhiều người muốn sở hữu?
- Bộ máy cơ đồng hồ là gì? Có mấy loại đồng hồ cơ?
- Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của đồng hồ cơ
- Lịch sử ra đời và những bước phát triển của đồng hồ cơ
- Top 4 nhà cung ứng bộ máy cơ lớn nhất thế giới
- Tại sao nhiều người lại thích sử dụng đồng hồ cơ? Giá của đồng hồ có có đắt không? Và những lưu ý khi mua đồng hồ cơ?
Bộ máy cơ trên đồng hồ là gì mà lại có giá đắt đỏ và nhiều người muốn sở hữu?
Là một trong những phát minh vượt bậc của con người trong việc đo lường thời gian, đồng hồ cơ là một sản phẩm được đông đảo các tín đồ trên thế giới yêu thích và săn tìm. Trải qua hơn hàng trăm năm phát triển, những cỗ máy cơ luôn nhận được sự ưu ái và đánh giá cao của các chuyên gia. Vậy đồng hồ cơ là gì? Tại sao nó lại được nhiều người yêu thích đến thế. Hãy tìm hiểu với Tân Tân trong bài viết bên dưới nhé!
Đồng hồ cơ là phát minh vượt bậc của con người trong việc đo lường thời gian
Bộ máy cơ đồng hồ là gì? Có mấy loại đồng hồ cơ?
Định nghĩa
Bộ máy cơ đồng hồ (mechanical watch) là bộ máy được lắp ráp và vận hành hoàn toàn từ các chi tiết thuần cơ khí, năng lượng hoạt động tồn tại dưới dạng cơ năng do dây cót sinh ra. Một chiếc đồng hồ thuần cơ sẽ không sử dụng pin hay bất kỳ linh kiện điện tử nào.
Phân loại đồng hồ cơ
Về cơ bản, đồng hồ cơ được chia thành 2 loại chính:
- Đồng hồ cơ lên dây cót bằng tay (Hand Winding): là đồng hồ phải lên cót thủ công bằng tay, bằng cách vặn núm để dây cót cuộn chặt lại trong hộp cót tạo năng lượng cho đồng hồ. Tùy vào từng loại đồng hồ sẽ có độ trữ cót khác nhau, có loại trữ cót một ngày hoặc những loại khác có thể trữ cót lên đến vài ngày. Ưu điểm hiện nay của loại đồng hồ này là: bộ máy mỏng hơn, khoe được những kỹ thuật chế tác bộ máy bên trong. Tuy nhiên loại đồng hồ này có nhược điểm là phải lên giây cót hàng ngày, do đó hiện nay đã it sản xuất và không còn được ưa chuộng mà chỉ sản xuất cho những phiên bản giới hạn (limited edition).
Hand Winding - Đồng hồ cơ lên dây cót bằng tay
- Đồng hồ cơ tự động lên dây cót (Automatic/Self-Winding), được chia thành hai dạng:
- Đầu tiên là automatic tự động: nó sẽ hoạt động dựa vào chuyển động cổ tay người đeo, chỉ cần mang đồng hồ khoảng 8 tiếng 1 ngày là đủ để đồng hồ hoạt động ổn định. Hiện nay, loại đồng hồ này cũng ít được sản xuất chỉ có trên những chiếc đồng hồ xưa.
- Thứ 2 và cũng là loại đồng hồ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay automatic bán tự động: đây là loại kết hợp giữa lên cót tay và lên cót tự động. Ưu điểm của loại đồng hồ này là: tiện lợi, phù hợp để đeo hàng ngày hơn.
Automatic/Self-Winding - Đồng hồ cơ tự động lên dây cót
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của đồng hồ cơ
Cấu tạo một bộ máy cơ
Bộ máy đồng hồ cơ rất phức tạp gồm nhiều chi tiết liên kết với nhau tạo thành một khối thống nhất, truyền động năng cho nhau. Mục đích cuối cùng là để tạo nên sự chuyển động của các kim trên mặt số. Bao gồm các thành phần:
- Núm chỉnh giờ
- Bánh lắc
- Chân kính
- Dây cót
- Bánh răng trung tâm
- Bánh răng trung gian
- Bánh răng thứ 4
- Bánh răng hồi
- Rotor (chỉ có trên đồng hồ cơ tự động (automatic))
- Dây tóc
- Pallet
Cấu tạo bộ máy của đồng hồ cơ
Nguyên lý hoạt động
- Chuyển động cổ tay của người đeo làm cho bánh đà quay và thông qua các bánh răng, cuộn cót chính. Cũng có thể lên dây cót qua núm vặn, như trên đồng hồ cơ tự lên dây.
- Dây cót làm từ dây kim loại to bản nhưng mỏng, có tính đàn hồi tốt, bền bỉ và được cuộn lại. Sau khi được cuộn chặt, dây cót sẽ dần bung ra, trở lại trạng thái ban đầu. Chính lực này kéo các bánh răng chuyển động.
- Các bánh răng quay và truyền động cho nhau. Để ngăn các bánh răng chuyển động xoay tròn hỗn loạn, đồng hồ cần có một bộ thoát (hồi). Bộ thoát này chạy theo nhịp, liên tục khóa và mở bánh thoát để bánh răng chạy theo nhịp.
- Trục của các bánh răng được nối với các kim chỉ thời gian (giờ, phút hoặc giây). Khi đặt các kim này lên mặt đồng hồ, chúng ta sẽ biết được thời gian.
- Chân kính được làm từ chất liệu đá quý (thường dùng là đá ruby), có tác dụng giảm ma sát làm bộ máy ít bị bào mòn, tăng độ chính xác và ổn định cho đồng hồ.
Jewel - Chân kính bộ máy cơ đồng hồ làm từ các đá quý
Cách sử dụng
- Đeo đồng hồ ít nhất 8 tiếng/ngày để đồng hồ tích trữ năng lượng đủ hoặc lên dây cót sau mỗi sau khoảng 40 tiếng. Trung bình thời gian hoạt động khi cót đầy của đồng hồ Automatic Thụy Sĩ khoảng 38 giờ, Nhật Bản khoảng 40 giờ. Hoặc một lựa chọn khác đó là sắm thêm một máy lên dây cót đồng hồ tự động (Watch Winder – hộp lên dây cót đồng hồ – tối ưu cho người có nhiều đồng hồ, không muốn đeo quá lâu, muốn kéo dài độ bền nước).
- Hiểu về độ chính xác của đồng hồ automatic: thuộc về nghệ thuật cổ điển, độ chính xác của đồng hồ cơ/Automatic kém hơn đồng hồ quartz, sai số có thể nằm trong khoảng – 20 đến + 40 giây/ngày, các mẫu đạt tiêu chuẩn cao sai số -4 đến +6 giây/ngày (đồng hồ quartz là ±20 đến ±15 giây/tháng).
- Thời gian thiết đặt: các mẫu không có lịch chỉnh lúc nào cũng được. Mẫu có lịch không nên chỉnh khi thời gian của đồng hồ khoảng 8h tối – 8h sáng (vì thời gian này hệ thống lịch sẽ chuyển động đề kéo vòng lịch sang ngày mới).
- Thời gian bảo dưỡng: đối với đồng hồ được đeo thường xuyên thì nên kiểm tra nước, vệ sinh và lau dầu mỗi 3-5 năm (khi dầu bị khô hoặc máy chạy nhanh hơn - chậm hơn bình thường), và thời gian sẽ lâu hơn đối với đồng hồ ít đeo (trường hợp sưu tầm đồng hồ).
Đồng hồ cơ cần được đeo đúng cách để sử dụng tốt nhất
Lưu ý: Bộ máy của đồng hồ cơ automatic là tổ hợp các bộ phận rời bằng kim loại nên rất nhạy cảm với các chấn động, va đập, độ ẩm, hóa chất, từ trường nên phải giữ đồng hồ tránh xa tất cả chúng. Khi đồng hồ vỡ kính, vào nước phải đi sửa chữa bảo trì ngay. Nếu bạn là người thường xuyên hoạt động mạnh, chơi thể thao cường độ cao, nên cân nhắc để chọn mẫu đồng hồ tự động “chuyên thể thao” phù hợp. Các mẫu này cũng rất dễ tìm kiếm. hiện tại Citizen, Bulova, Tissot, Longines, … đều có rất nhiều mẫu.
Lịch sử ra đời và những bước phát triển của đồng hồ cơ
Ngành đồng hồ cơ đã có những cột mốc phát triển làm nên lịch sử ngành đồng hồ thế giới
Đồng hồ cơ đầu tiên được phát minh ở nước Anh do một tu sĩ người Ý thiết kế vào năm 1275, bởi vì những tu sĩ Công giáo có quy định rất nghiêm ngặt về lịch trình cầu nguyện cũng như công việc hằng ngày nên họ đã yêu cầu chế tạo đồng hồ. Ban đầu là một chiếc đồng hồ rất lớn chỉ với một kim giờ.
Năm 1370, những mẫu đồng hồ dần phổ biến ở Pháp và Anh. Mãi đến năm 1541, ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ ra đời, do lệnh cấm đeo trang sức nên các thợ kim hoàn ở Geneva buộc lòng phải học cách chế tạo đồng hồ từ những người tị nạn từ Pháp và Ý. Đến thế kỷ thứ 16, ngoài sắt, đồng và bạc là vật liệu chính dùng để chế tác đồng hồ, sau đó đồng hồ chạy bằng lò xo được phát triển.
Năm 1574 đồng hồ bỏ túi được phát minh với chất liệu bằng đồng. Năm 1620 mặt kính đồng hồ được giới thiệu và nhanh chóng được điều chỉnh lên các mô hình đồng hồ cao cấp.
Năm 1680 kim phút lần đầu tiên được thêm vào đồng hồ. Năm 1675 vành tóc được phát minh là một yếu tố quan trọng của đồng hồ cơ giúp cỗ máy có bộ dao động cân bằng. Năm 1690 kim giây xuất hiện. Năm 1700, đồng hồ đeo tay dần trở nên phổ biến với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Năm 1716, một người Anh tên George Graham phát minh ra bộ thoát, tiền đề cho bộ thoát cơ học mang lại độ chính xác cao.
Đặc biệt vào năm 1770, Abraham-Louis Perrelet phát minh ra một cơ chế tự lên dây cót – tiền đề cho sự ra đời của đồng hồ cơ automatic. Vào năm 1795, Abraham-Louis Breguet người sáng lập nên thương hiệu đồng hồ cao cấp Breguet phát minh ra bộ thoát Tourbillon. Năm 1812, Breguet sáng tạo ra chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay đầu tiên dành cho Caroline Murat và Nữ hoàng của Naples. Đến năm 1822, Nicolas Rieussec nộp bằng sáng chế “đồng hồ bấm giờ bằng giây”, mở ra kỷ nguyên của đồng hồ chronograph, hay còn gọi là đồng hồ bấm giờ. Năm 1915: Breitling ra mắt một trong những chiếc đồng hồ đeo tay cơ học có tính năng Chronograph đầu tiên.
Năm 1926 thế giới ghi nhận mẫu đồng hồ đầu tiên có sự xuất hiện của một cánh quạt rotor tự động. Cơ chế lên dây này được thiết kế bởi nhà chế tác đồng hồ người Anh John Harwood, dựa trên chiếc đồng hồ mà Abraham-Louis Perrelet đã nghĩ ra cho pocketwatch trong thế kỷ 18.
Khủng hoảng thạch anh chính thức bắt đầu từ năm 1970 nhưng không vì thế mà đế chế đồng hồ cơ học bị lãng quên. Tựa như một chất xúc tác quyết định lại thị trường, các thương hiệu đồng hồ lớn đã tập trung phát triển, đua nhau cho ra mắt những mẫu đồng hồ cơ với những tính năng độc đáo, sử dụng các vật liệu tiên tiến cùng những cơ chế được cấp bằng sáng chế và tạo nên những trang sử mới tiếp theo đầy hào hùng cho thế giới đồng hồ.
Top 4 nhà cung ứng bộ máy cơ lớn nhất thế giới
Hiện nay, trên thị trường đồng hồ có rất nhiều thương hiệu khác nhau. Nhưng cũng vì bộ máy rất phức tạp, khó sản xuất mà không phải hãng đồng hồ nào cũng có thể tự mình nghiên cứu sản xuất được bộ máy, đó là lý do các nhà sản xuất bộ máy đồng hồ tồn tại. Trong đó, ETA, Miyota và Epson là 3 nhà sản xuất chiếm thị phần nhiều nhất, được sử dụng trên hầu hết đồng hồ Thụy Sỹ, Mỹ hay Nhật Bản.
- ETA (trực thuộc Swatch)
Trực thuộc sở hữu của Tập đoàn Swatch, ETA lắp ráp linh kiện hoàn thiện để cung ứng riêng cho những thương hiệu con trong cùng tập đoàn. Đơn cử như Tissot, Calvin Klein, Longines, Mido, Rado,… đều trang bị máy ETA. Sở dĩ máy ETA được đánh giá cao là do có nhiều cấp độ và tùy theo phân khúc sẽ tương ứng với dòng máy phù hợp là Standard, Elabore, Top, Chronometer.
Sự khác nhau giữa 4 cấp độ máy ETA:
Nhờ vậy mà đồng hồ Tissot, Longines, Mido, Rado,… luôn đảm bảo về mặt chất lượng, khả năng hoạt động ổn định,… và đạt chứng nhận swiss made hoặc cao cấp hơn là Chronometer.
Nhà máy sản xuất bộ máy đồng hồ của hãng ETA
- Sellita (đến từ Thụy Sĩ)
Nổi tiếng với bộ máy SW200 (cạnh tranh với bộ máy ETA 2824 của ETA), được thành lập vào năm 1950 với trụ sở chính tại La Chaux-de-Fonds, Thụy Sĩ.
Nhà máy sản xuất của Sellita
- Miyota (trực thuộc Citizen)
Miyota là công ty thuộc sở hữu của Citizen chuyên lắp ráp bộ máy đồng hồ đeo tay. Miyota là nhà cung cấp ra toàn thế giới cả máy quartz lẫn automatic chiếm thị phần lớn nhất (60 - 70%). Những đối tác lớn của Citizen cũng là những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu. Đơn cử như Lacoste, Tommy Hilfiger, Coach, Scuderia Ferrari,… Đặc biệt, máy cơ Miyota còn được trang bị thêm khả năng lên cót thủ công, hacking second khá hiện đại.
*Ghi chú: riêng đồng hồ Citizen chỉ sử dụng máy của hãng Citizen với chất lượng cao hơn vượt trội so với máy Miyota.
- Epson (trực thuộc Seiko)
Máy Epson cũng uy tín, cung cấp cho một số nhà lắp ráp đồng hồ khác như Olym Pianus, Bentley, Pulsar.
Tại sao nhiều người lại thích sử dụng đồng hồ cơ? Giá của đồng hồ có có đắt không? Và những lưu ý khi mua đồng hồ cơ?
Trong thời đại công nghệ điện tử, đến cả những chiếc điện thoại di động, hay máy tính bảng cũng có độ cập giờ chính xác thậm chí còn cao hơn cả trăm ngàn lần đồng hồ cơ đeo tay. Thế nhưng, đồng hồ cơ tự động ngày nay vẫn là một trong những dòng đồng hồ đeo tay được đông đảo người dùng khắp Thế giới săn đón và yêu chuộng. Đồng thời, các kiểu bộ máy cơ vẫn được các hãng danh tiếng của cả truyền thống lẫn hiện đại chú trọng cải tiến và liên tục phát triển. Việc sở hữu một chiếc đồng hồ cơ có chất lượng được đảm bảo bởi các thương hiệu đã nổi danh trăm năm trên không những là một công cụ giúp bạn cập nhật giờ hiệu quả mà chúng còn là món trang sức cổ điển giúp bạn dễ dàng tạo được ấn tượng mạnh với lứa trẻ lẫn những người đã đứng tuổi.
Đồng hồ cơ luôn được yêu thích và ưa chuộng bởi người đam mê đồng hồ
Các phân khúc giá của đồng hồ cơ
- Có một sự thật mà chúng ta khó lòng phủ nhận - trong trường hợp vật liệu chế tạo là như nhau và đến từ cùng một thương hiệu, đồng hồ automatic phần lớn đều sẽ đắt tiền hơn so với đồng hồ pin. Mặc dù vậy, bởi vì độ phổ biến hiện nay của đồng hồ tự động trên thị trường mà nó sở hữu các mức giá vô cùng phong phú - từ thấp đến xa xỉ. Giá bán của đồng hồ automatic phụ thuộc nhiều vào thương hiệu, vật liệu chế tạo, xuất xứ bộ máy, độ hoàn thiện cũng như giấy chứng nhận (như COSC, Master Chronometer, sáng chế độc quyền, v.v) và nhiều yếu tố khác.
- Với sự đa dạng này, việc tìm kiếm một chiếc đồng hồ automatic chính hãng phù hợp với ngân sách của bạn là không hề khó khăn. Lấy ví dụ như ở phân khúc giá từ 5.000.000 - 15.000.000đ có các mẫu Citizen và Seiko (Nhật Bản), dưới 20.000.000đ thì có Tissot (Thụy Sĩ) và Bulova (Nhật Bản) sẽ là hai thương hiệu vô cùng đáng cân nhắc với độ nổi tiếng và chất lượng ổn định.
- Ở phân khúc cao hơn, khoảng từ 20.000.000 - dưới 100.000.000 VND là cả một hệ sinh thái đa dạng - không chỉ là nơi những người đam mê đồng hồ có thể dễ dàng tìm thấy một mẫu mã ưng ý từ các nhà sản xuất danh giá như Longines, Montblanc, Raymond Weil, Rado, Mido, v.v; mà cả các tín đồ thời trang sành điệu cũng có thể tìm kiếm một điều gì đó độc đáo cho phong cách hàng ngày của họ với những nhà mốt đình đám như Versace, Gucci, Salvatore Ferragamo, v.v.
- Cuối cùng, các kiệt tác đồng hồ tự động đến từ những thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới như Patek Philippe, Piaget, Rolex, Omega, Zenith, TAG Heuer, v.v với vật liệu chế tác đẳng cấp như vàng nguyên khối, kim cương, đá quý sẽ là những điểm đến hoàn hảo cho phong cách sang trọng vượt thời gian.
- Đồng hồ automatic có giá bao nhiêu? Câu trả lời nằm ở nhu cầu cũng như mức đầu tư mong muốn của bạn. Tất nhiên, để dễ dàng chọn lựa một chiếc đồng hồ tự động chính hãng có thiết kế đẹp và độ bền ổn định, mức giá thấp nhất mà bạn sẽ phải chi trả rơi vào khoảng 10-15 triệu VNĐ, và càng lên cao, độ phong phú và thiết kế sản phẩm đẹp hơn nữa.
Đồng hồ cơ có nhiều phân khúc giá dành cho các mức nhu cầu khác nhau
Các yếu tố cần cân nhắc khi mua đồng hồ cơ
- Thương hiệu của đồng hồ: không chỉ riêng đồng hồ automatic, khi có nhu cầu mua bất cứ một chiếc đồng hồ chính hãng nào, điều đầu tiên bạn cần quan tâm là thương hiệu của đồng hồ. Không chỉ nói lên uy tín, danh vọng và đẳng cấp của đồng hồ, nó còn là “lý do chính” cho số tiền mà bạn sắp phải bỏ ra.
- Thiết kế đồng hồ và vật liệu chế tạo: các mẫu đồng hồ automatic bằng vàng nguyên khối sẽ có mức giá đắt hơn nhiều so với phần lớn đồng hồ thép. Ngoài ra, việc đính thêm kim cương, đá quý hay một số loại vật liệu quý khác cũng khiến nó có giá trị cao hơn. Kích thước và thiết kế mặt số cũng khá quan trọng, đặc biệt là khi bạn muốn đeo nó mỗi ngày, hãy lựa chọn một mẫu có đường kính vừa phải để không gây cộm dưới cổ tay áo sơ-mi.
- Mục đích sử dụng và tính năng: thông thường, mục đích sử dụng sẽ quyết định tính năng cần có cho chiếc đồng hồ automatic tương lai của bạn. Chẳng hạn như nếu bạn là vận động viên hay thợ lặn, hãy mua một chiếc đồng hồ lặn automatic với các tính năng thích hợp như van thoát khí Heli, dự báo thời gian tối thiểu còn lại, khả năng chống nước trên 100 mét,... Nếu bạn thích đi du lịch hoặc thường xuyên xuất ngoại thì các mẫu đồng hồ đa múi giờ sẽ là lời gợi ý không tồi. Hoặc những mẫu đồng hồ chronograph, đồng hồ phi công, đồng hồ quân đội, v.v. sẽ có những tính năng cần thiết để phục vụ cho những mục đích cụ thể.
- Bộ máy đồng hồ: xuất xứ của bộ máy đồng hồ là một trong những yếu tố chính mà bạn nên xem xét đầu tiên, sau đó là tên tuổi của nhà sản xuất và khả năng dự trữ năng lượng của bộ máy.
- Quy trình sản xuất và chất liệu chế tạo bộ máy: đối với các mẫu đồng hồ automatic đắt giá, việc bộ máy của nó có được sản xuất in-house hay không, cánh quạt rotor có được làm bằng vàng nguyên khối hay không, chân kính có phải ruby thật hay không là những câu hỏi bạn nên đặt ra.
- Độ hoàn thiện của đồng hồ: bao gồm độ hoàn thiện của bộ máy bên trong và thiết kế bên ngoài là một yếu tố quan trọng đối với những mẫu đồng hồ có giá trên 100.000.000 VND. Nó quyết định xem chiếc đồng hồ có phải là một phần của Haute Horlogerie hoặc Fine Watchmaking hay không.
- Hướng dẫn sử dụng đồng hồ: hãy chắc chắn rằng bạn thật sự hiểu về chiếc đồng hồ automatic của mình bằng việc tìm hiểu hướng dẫn sử dụng của nó. Việc sử dụng, cài đặt và điều chỉnh đồng hồ đúng cách sẽ khiến cho nó có độ bền lâu hơn.
- Các chính sách bảo hành và sửa chữa: đối với đồng hồ cơ nói chung và đồng hồ automatic nói riêng, không có hậu mãi nào quan trọng hơn chính sách bảo hành và sửa chữa đồng hồ. Điều này có thể giúp bạn giảm bớt các chi phí để sửa chữa đồng hồ khi có hư hỏng, hoặc có thể mang đồng hồ đi kiểm tra định kỳ ở các địa điểm uy tín.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm